Cảng Tiên Sa là cảng biển hiện đại và quan trọng nhất ở miền Trung Việt Nam; trải hơn thế kỷ, bằng những định hướng chiến lược phát triển đúng đắn, cùng với dự án nâng cấp giai đoạn 2 được đưa vào khai thác từ cuối năm 2018, cảng Tiên Sa vươn tầm mạnh mẽ thành một trong những cảng biển hàng đầu tại Việt Nam trong việc cung ứng dịch vụ cho các loại tàu hàng và du thuyền. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất của thành phố Đà Nẵng, các tỉnh thành lân cận thông qua việc cung ứng dịch vụ cảng biển cho hàng hóa nội địa và xuất nhập khẩu; đồng thời, thúc đẩy phát triển lĩnh vực du lịch bằng du thuyền – một loại hình du lịch cao cấp, thời thượng.
Vừa là cảng hàng hóa vừa là cảng du lịch
Là một trong những cảng biển đẹp nhất của miền Trung, gắn với truyền thuyết về nơi các tiên nữ giáng trần múa hát, cảng Tiên Sa không ngừng phát triển thành khu du lịch sinh thái Tiên Sa, có nhiều yếu tố hấp dẫn dành cho du khách.
Cảng Tiên Sa ở chân núi Sơn Trà, sát khu vực Tiên Sa – nơi có những bãi tắm với làn nước trong xanh, sóng vỗ hiền hòa, cùng nhiều bãi cát vàng tinh khôi. Tiên Sa là địa điểm lý tưởng cho các hoạt động du lịch biển; đặc biệt núi Sơn Trà cũng là khu vực bảo tồn thiên nhiên đa dạng, là tổ ấm của nhiều loài động vật quý hiếm như khỉ, hươu, nai, voọc chà vá, đười ươi, gà mặt đỏ, cùng với hệ thực vật phong phú.
Bên cạnh phong cảnh hoang sơ, hữu tình, vẫn còn đó, khu bến cảng Tiên Sa hiện đóng vai trò là khu bến chính phục vụ trực tiếp thành phố Đà Nẵng, một phần Bắc Tây Nguyên, các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và cũng là điểm quá cảnh cho hàng hóa từ Lào và đông bắc Thái Lan. Hiện tại, bến cảng Tiên Sa đã được nâng cấp và mở rộng bao gồm 7 cầu cảng với 1.700m chiều dài cầu cảng, có thể đón tàu hàng đến 50.000 tấn đầy tải, 70.000 tấn giảm tải, tàu container đến 4.000 TEU, tiếp nhận tàu khách đến 170.000 GT.
Sự cố gắng phấn đấu bền bỉ trong nhiều năm qua của Công ty Cổ phần cảng Đà Nẵng (gọi tắt là cảng Đà Nẵng) đã mang lại một diện mạo hoàn toàn mới cho cảng Tiên Sa; năng suất, chất lượng dịch vụ ngày càng nâng cao; lượng hàng hóa thông qua, doanh thu và lợi nhuận của cảng Đà Nẵng liên tục tăng trưởng ở mức cao (giai đoạn 2018 – 2023: sản lượng tăng 41%, trong đó sản lượng container tăng 83%; doanh thu tăng 80%; lợi nhuận tăng 88%); hiện có gần 30 hãng container có mặt tại thị trường cảng Đà Nẵng, hàng tuần có khoảng 30 chuyến tàu container cập cảng làm hàng; một thị trường container vô cùng sôi động, hấp dẫn và đầy tính cạnh tranh đã được cảng Đà Nẵng xác lập.
Cảng Tiên Sa đã được định hướng để trở thành một cảng du lịch trong tương lai không xa; tháng 4.2022, cảng Đà Nẵng (thành viên của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – VIMC) đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải thống nhất về chủ trương và có ý kiến chỉ đạo để Công ty hoàn thiện và trình cơ quan có thẩm quyền xem xét và phê duyệt “Đề án di dời và chuyển đổi công năng Khu bến Tiên Sa, gắn liền với quá trình đầu tư và khai thác khu bến Liên Chiểu”.
Theo văn bản đề nghị, kể từ năm 2026, bắt đầu thực hiện chuyển đổi công năng của bến cảng Tiên Sa để tạo nên một cảng hành khách; đồng thời, cảng Đà Nẵng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải ủng hộ việc chỉ định họ là nhà đầu tư và khai thác hai bến khởi động trong khu bến cảng Liên Chiểu.
Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã chia sẻ rằng, quy hoạch cho khu bến Tiên Sa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thông qua Quyết định số 1579/2021; tuy nhiên, việc chuyển đổi công năng của cảng Tiên Sa thành một cảng du lịch sẽ diễn ra từ sau năm 2030, phù hợp với tiến trình đầu tư và khai thác khu bến Liên Chiểu.
Do đó, việc xây dựng kế hoạch chi tiết và phương án khả thi cho từng bước chuyển đổi công năng của khu bến Tiên Sa là rất cần thiết và cần được thực hiện sau năm 2030 để bảo đảm tính hiệu quả và phù hợp với quy hoạch và phát triển của cảng cũng như nhu cầu du lịch trong tương lai.
Một sự kiện lớn tại cảng Tiên Sa làm cho thương hiệu cảng Đà Nẵng tiếp tục “ghi điểm” trên bản đồ cảng biển thế giới là vào ngày 05.9.2023, cảng Đà Nẵng đã tiếp nhận chuyến tàu mang tên WanHai 362 do hãng tàu Wan Hai khai thác, thuộc tuyến dịch vụ AA3 kết nối Việt Nam đi thẳng đến cảng Long Beach – cảng Oakland (Hoa Kỳ). Đây là chuyến tàu container đầu tiên xuất phát từ cảng Tiên Sa chở hàng xuất khẩu đến thẳng cảng Long Beach thuộc bờ Tây nước Mỹ mà không cần phải chuyển tải sang bất kỳ tàu mẹ nào như trước đây. (Wan Hai hiện nay là hãng tàu container lớn thứ 11 trên thế giới và sở hữu 69 tàu mẹ. Trong đó, tàu WAN HAI 362, quốc tịch Singapore, đóng mới năm 2023 có chiều dài 203,5m; chiều rộng thân tàu 34,8m; tải trọng 36.776 DWT; sức chở 3.013 TEUS; là tàu container có sức chở lớn nhất từ trước đến nay cập cầu cảng Tiên Sa 4, cảng Đà Nẵng xuất nhập trong 01 ngày).
Đề cập đến sự kiện lớn này, Tổng Giám đốc Công ty CP cảng Đà Nẵng Trần Lê Tuấn nhớ lại, khi đó, tàu xuất phát từ Ấn Độ (Cochin – Nhava Sheva – Tuticorin) đi theo hành trình Malaysia (Port Klang) – Trung Quốc (Shekuo) – Việt Nam (Tiên Sa/ Đà Nẵng – Tân cảng Cái Mép) – Trung Quốc (Shekuo- Xiamen) – Đài Loan (Taipei) – Trung Quốc (Shanghai – Ningbo) – Mỹ (Long Beach – Oakland). Tại cảng Tiên Sa, tàu nhập 482 container có hàng và xuất đi nước ngoài 115 TEUS, bao gồm 50 TEUS hàng xuất từ Đà Nẵng đi thẳng đến cảng Long Beach, (gồm hàng may mặc, đồ gỗ, đồ chơi trẻ em, thép cuộn, thiết bị máy bay…). Với hành trình tàu chạy trực tiếp từ cảng Tiên Sa đến cảng Long Beach chỉ khoảng 21 ngày, đã rút ngắn thời gian đáng kể so với chuyển tải trước đây từ 25 – 28 ngày, giảm thiểu rủi ro hư hỏng hàng hóa hay tránh được rủi ro vì không thể kết nối kịp hành trình tàu mẹ tại các cảng chuyển tải khác.
Điều này cho thấy, cảng Tiên Sa tiếp tục nhận được sự tin tưởng của các đối tác hãng tàu trong nước cũng như trên thế giới, là lựa chọn tin cậy để các hãng tàu phát triển mạng lưới kết nối rộng khắp và tiếp tục khẳng định năng lực của cảng Đà Nẵng.
Nỗ lực vượt bậc mang thương hiệu cảng Đà Nẵng
Năm 2024, hòa trong dòng chảy kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam nói chung và của vùng thị trường cảng Đà Nẵng nói riêng tuy vẫn còn tiếp tục khó khăn sau đại dịch Covid-19 nhưng đã có những bứt phá đáng kể. Trước áp lực và thách thức về những dự báo ít lạc quan về thị trường, về đơn hàng… ngay từ đầu năm 2024, Ban điều hành cảng Đà Nẵng đã nhận diện rõ những khó khăn, thách thức và nhanh chóng đưa ra các giải pháp để có thể hoàn thành mục tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh của năm đã đề ra. Đến nay, tổng sản lượng 9 tháng năm 2024 tăng 15%, tổng doanh thu tăng 16% và lợi nhuận trước thuế tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023.
Đặc biệt, công cuộc chuyển đổi số của cảng Đà Nẵng đã thành công vượt bậc, liên tục được trao các giải thưởng uy tín; từ 2023, cảng Đà Nẵng đã đưa vào triển khai hệ thống E-tractor giúp truyền nhận tín hiệu công nghiệp và hệ thống canh xe tự động ECPS cho xe đầu kéo vào dây chuyền xe đầu kéo khai thác container. Qua đó, năng suất bốc xếp container tăng lên đáng kể, giảm tiêu hao nhiên liệu với các phương tiện đó. Đối với công tác đầu tư, cảng Đà Nẵng không ngừng nâng cao năng lực phương tiện thiết bị hiện có; tháng 6.2024 đã đưa Dự án bãi container sau cầu 4,5 có diện tích 3,5ha với 04 cần cẩu bãi chuyên dụng (ERTG) vào khai thác; trong tháng 9/2024 tiếp tục đưa cần cẩu giàn container chuyên dụng vào khai thác trên cầu tàu Tiên Sa 4, như vậy trên cầu tàu này hiện có thể đưa 3 cẩu vào việc bốc xếp container cùng một lúc, điều này mang lại lợi ích cho chủ tàu thông qua một năng suất khai thác tàu cao hơn đáng kể.
Dự kiến, trong tháng 11 tới, cảng Đà Nẵng sẽ triển khai khởi công dự án đầu tư Trung tâm logistics Hòa Vang với diện tích 20ha cùng hệ thống kho bãi rộng lớn, phục vụ cho toàn bộ khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Đây là những bước đi cụ thể cho việc phát triển các dịch vụ trong chuỗi dịch vụ logistics, nhằm mang đến nhiều tiện ích hơn cho khách hàng. Đồng thời, trước đó, vào tháng 8.2022, cảng Đà Nẵng đã chính thức nộp bộ hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư và đề nghị được là chủ đầu tư 2 bến khởi động tại cảng Liên Chiểu; đây là bằng chứng thể hiện mong muốn cũng như sự quyết tâm của cảng Đà Nẵng trong việc duy trì ngành nghề chính của mình là cung ứng dịch vụ cảng biển.
Cũng trong năm 2024, cảng Đà Nẵng là cảng duy nhất, đến thời điểm này ở Việt Nam, nhận danh hiệu Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động 7 năm liên tiếp, Top 10 doanh nghiệp Sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả năm 2024 ngành logistics và năm thứ 8 liên tiếp đạt Giải thưởng “Doanh nghiệp bền vững” (CSI) do VCCI bình chọn; cảng Đà Nẵng cũng là doanh nghiệp đứng thứ 8 tại thành phố Đà Nẵng và đứng thứ 750 trong 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Đồng thời, liên tiếp những năm qua, bình quân thu thuế xuất nhập khẩu tại cảng Tiên Sa luôn có sự tăng trưởng và chiếm khoảng trên 80% tổng thu thuế xuất nhập khẩu toàn thành phố Đà Nẵng.