Vận tải biển sẽ khó khăn đến cuối năm 2020
Theo báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam, do tác động của dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến thị trường vận tải biển, lượng tàu khách và hành khách thông qua cảng biển thời gian xảy ra dịch bệnh giảm rõ rệt, đặc biệt là tàu khách du lịch quốc tế đến cảng trong tháng 3/2020 chỉ có 2 tàu, giảm gần 100% so với cùng kỳ năm trước.
Được biết, hiện nay toàn bộ các đại lý tàu biển, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên các hãng tàu du lịch đã thông báo huỷ tất cả các chuyến tàu khách quốc tế dự kiến đến cảng biển Nha Trang, Vũng Tàu cho đến hết quý II/2020 và khả năng đưa tàu khách quốc tế đến cảng biển còn phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh.
Về vận tải hàng hoá, lượt tàu hàng hóa thông qua cảng quý I/2020 giảm, chỉ bằng 91% so với năm 2019, trong đó lượt tàu nội địa bằng 84,2% và lượt tàu quốc tế bằng 98% so với năm 2019.
Mặc dù tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển 4 tháng năm 2020 là 215.304.000 tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng, ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam đánh giá: “Dự báo trong tháng 5 và quý II/2020, thị trường vận tải biển thế giới tiếp tục giảm mạnh, ngành vận tải biển của Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn từ nay đến cuối năm 2020”.
Bởi lẽ, trên thực tế, hàng hóa xuất, nhập khẩu của Việt Nam phụ thuộc vào nhu cầu tiêu thụ của các nước đối tác thương mại trên thế giới, và nguồn nguyên liệu nhập khẩu để cung cấp cho các nhà máy sản xuất trong nước. Ông Sang cho rằng, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến nhu cầu tiêu thụ hàng hoá của các nước sụt giảm, tình hình sản xuất trên thế giới bị ngừng trệ dẫn đến sản lượng hàng hóa vận tải bị ảnh hưởng cả hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu. Hàng hóa xuất nhập khẩu giảm cũng dẫn đến nhu cầu vận tải nội địa để gom và phân phối hàng hóa giảm theo.
“Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển tính đến thời điểm này không bị tác động nhiều, vẫn có xu hướng tăng, nhưng tốc độ tăng chậm hơn so với trung bình của thời gian trước. Mặc dù thời gian tới còn nhiều khó khăn do bối cảnh chung toàn thế giới, nhưng đây có thể là cơ hội của doanh nghiệp logistics Việt. Bởi hàng hoá xuất khẩu qua biên giới (đường bộ) hiện nay đang ùn ứ, hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu chuyển sang vận chuyển bằng đường biển”, ông Nguyễn Xuân Sang đánh giá.
Hỗ trợ doanh nghiệp bằng chính sách
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về việc thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải biển trong giai đoạn khó khăn, ông Nguyễn Xuân Sang cho biết, Cục Hàng hải đã khẩn trương làm việc với Hiệp hội Hoa tiêu hàng hải Việt Nam và các công ty hoa tiêu đưa ra các giải pháp để tiết giảm chi phí hoạt động, thống nhất với đề xuất của Hiệp hội Chủ tàu trong việc giảm giá hoa tiêu đối với tàu hoạt động nội địa.Hỗ trợ doanh nghiệp bằng chính sách
Theo đó, từ ngày 1/5, các doanh nghiệp vận tải đã được áp dụng mức giá tối thiểu (giảm 10% so với mức giá hiện hành) dịch vụ hoa tiêu đối với tàu thuyền Việt Nam hoạt động tuyến nội địa (bao gồm cả tàu biển và phương tiện VR-SB). Thời gian áp dụng 3 tháng.
Dự kiến, trong quý II/2020, các công ty hoa tiêu thực hiện dẫn được khoảng 25.000 lượt tàu, trong đó có khoảng 10.000 lượt tàu thuyền Việt Nam hoạt động nội địa. Mức giá giảm cho các doanh nghiệp ước tính khoảng 4,3 tỷ đồng.
Giá dịch vụ lai dắt cho tàu thuyền Việt Nam hoạt động nội địa (bao gồm cả tàu biển và phương tiện VR-SB) cũng được đưa về mức giá dịch vụ tối thiểu. Dự kiến, trong quý II/2020, 68 doanh nghiệp lai dắt sẽ giảm tổng số khoảng 5 tỷ đồng cho các doanh nghiệp vận tải.
Với chính sách phí và lệ phí hàng hải, Cục Hàng hải đã báo cáo, kiến nghị Bộ GTVT thống nhất ý kiến với Bộ Tài chính: Cho phép giãn thời gian thực hiện quy định về điều kiện được chậm nộp các khoản phí và lệ phí cho tàu thuyền theo Thông tư 90/2019/TT-BTC; cho phép miễn phí sử dụng vị trí neo, đậu đối với tàu thuyền trong thời gian phải neo chờ để thực hiện việc kiểm tra y tế hoặc cách ly do dịch bệnh theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trước khi đưa tàu thuyền vào cầu cảng, thời gian miễn phí hết ngày 31/12/2020.
Cục Hàng hải tiếp tục kiến nghị Bộ GTVT phối hợp với Bộ Y tế, Bộ TT&TT công bố, hướng dẫn gia hạn 3 tháng cho các chứng chỉ, giấy khám sức khoẻ cho thuyền vên đang làm việc trên tàu biển và có văn bản phổ biển cho các chủ tàu và chỉ đạo các Cảng vụ hàng hải hướng dẫn chủ tàu, thuyền viên về việc cho phép gia hạn các chứng chỉ chuyên môn, giấy chứng chỉ thuyền viên do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp cho thuyền viên đang đảm nhận chức danh trên biển bị hết hạn, được gia hạn sử dụng tiếp trong 3 tháng.
Đồng thời, phối hợp với các chủ tàu đề xuất Cục Xuất nhập cảnh nghiên cứu có biện pháp hỗ trợ thuyền viên đang làm việc trên tàu biển bị hết hoặc sắp hết hạn hộ chiếu phổ thông, nhưng không thể lên bờ làm thủ tục gia hạn được./.
Nguồn: Báo điện tử Chính phủ