(TBTCO) - Hiện tại, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) tiếp tục duy trì 3 lĩnh vực cốt lõi, đó là: Phát triển hệ thống cảng cho tàu trọng tải lớn; nghiên cứu đầu tư cơ sở hạ tầng cảng biển tại các vị trí mới; nâng cấp, mở rộng đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng hiện hữu và đầu tư chiều sâu nhằm tăng năng lực khai thác và cạnh tranh.
Khối cảng biển luôn đóng góp quan trọng vào kết quả sản xuất kinh doanh
Mục tiêu trở thành tập đoàn logistics đường biển tích hợp số 1 của Việt Nam
Từ đầu năm 2024 đến nay, trong bối cảnh khó khăn, VIMC vẫn đạt được kết quả đáng ghi nhận. Doanh thu toàn VIMC ước đạt 4.755 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận ước đạt 559 tỷ đồng, tăng tới 181%. Nhiều doanh nghiệp thành viên của VIMC cũng đạt kết quả tích cực như: Cảng Sài Gòn (tăng 26 tỷ đồng), Cảng Đà Nẵng (tăng 10 tỷ đồng), Cảng Quy Nhơn (tăng 14 tỷ đồng), SSIT lãi 22,8 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 2,2 tỷ đồng).
Đáng chú ý, những năm qua, VIMC luôn vững thế "kiềng 3 chân" khi hoạt động kinh doanh ở 3 lĩnh vực: Cảng biển, vận tải biển và dịch vụ logistics. Trong đó, cảng biển được định hướng là trụ cột, đòn bẩy chính thúc đẩy sự tăng trưởng. Hướng tới mục tiêu trở thành tập đoàn logistics đường biển tích hợp số 1 của Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2025, VIMC tiếp tục duy trì 3 lĩnh vực cốt lõi. Cụ thể, phát triển hệ thống cảng cho tàu trọng tải lớn, nghiên cứu đầu tư cơ sở hạ tầng cảng biển tại các vị trí mới. Nâng cấp, mở rộng đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng hiện hữu và đầu tư chiều sâu nhằm tăng năng lực khai thác và cạnh tranh.
Tại khu vực Hải Phòng, định hướng tập trung dự án đầu tư xây dựng bến 3, 4 Cảng Lạch Huyện; đầu tư giai đoạn 2 Cảng VIMC Đình Vũ; phát triển hệ thống bến phao tại các khu neo. Tại miền Trung, đầu tư chiều sâu Cảng Đà Nẵng, nâng cao khả năng khai thác Cảng Tiên Sa. VIMC cũng đề xuất đầu tư 2 bến khởi động Cảng Liên Chiểu và đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án Trung tâm logistics tại Hòa Vang để kết nối, giảm lưu lượng hàng hóa qua Cảng Tiên Sa, nghiên cứu phát triển các bến tàu khách.
Bên cạnh đó, đầu tư nâng cấp mở rộng bến số 1 Cảng Quy Nhơn; Hoàn thành dự án Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước và nghiên cứu, đề xuất triển khai dự án Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước giai đoạn II ở khu vực TP. Hồ Chí Minh; huy động nguồn lực, hợp tác với MSC nghiên cứu đầu tư khu bến trung chuyển container quốc tế quy mô lớn tại Cần Giờ... Trong lĩnh vực vận tải biển, mục tiêu đến năm 2025, đội tàu của VIMC có 40 tàu với tổng trọng tải khoảng 1,2 triệu tấn.
Để đẩy mạnh lĩnh vực dịch vụ hàng hải, doanh nghiệp sẽ phát triển cơ sở hạ tầng hoặc hợp tác với các đối tác để đầu tư, triển khai các dự án ICD, depot, trung tâm phân phối, logistics... tại các khu vực Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, Quy Nhơn, TP. HCM, Đồng bằng sông Cửu Long nhằm kết nối với hệ thống cảng biển hiện có, kéo dài chuỗi cung ứng dịch vụ cho khách hàng.
Phát triển chuỗi cung ứng dịch vụ tích hợp
Bên cạnh đó, để hiện thực hóa chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2030, đầu tháng 4/2024, VIMC đã quyết định đầu tư góp vốn thành lập Công ty CP Vận tải container VIMC (VIMC Lines). Với mức vốn góp gần 1.015 tỷ đồng, tham vọng của "ông lớn hàng hải" là sẽ đẩy mạnh phát triển lĩnh vực vận tải container, xây dựng một doanh nghiệp vận tải container hàng đầu Việt Nam.
Theo đó, VIMC Lines sẽ tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ của thị phần vận chuyển container bằng tàu biển tuyến nội địa đối với một số mặt hàng trọng yếu như: Hàng nông sản, hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng, và nhiều hơn nữa. Cùng với đó, phát triển hoạt động khai thác, hợp tác với một số hãng tàu lớn trong và ngoài nước trong hoạt động khai thác và đại lý tàu. Thị trường vận tải biển sẽ có một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chất lượng cao, giá cả cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường.
Trong dài hạn, công ty sẽ thu hút làm dịch vụ đại lý cho các hãng tàu khác trong và ngoài nước. Qua đó, thực hiện được mục tiêu phát triển chuỗi cung ứng dịch vụ tích hợp vận tải biển - cảng biển - dịch vụ logistics.
Theo lãnh đạo VIMC, việc thành lập VIMC Lines là chủ trương đúng đắn góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế.